Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Lương sẽ tăng mạnh trong 2008

Theo dự báo của công ty tuyển dụng nhân sự Navigos Group (sau khi đã thực hiện một cuộc khảo sát lớn về lương trong năm 2007) cụ thể mức lương được dự đoán sẽ tăng trong phạm vi từ mức thấp nhất là 8,5% đến mức cao nhất là 15%, tuỳ thuộc vào từng công ty, loại hình công việc... 

Dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh đã tạo ra xu hướng tăng lương hiện nay cho dù chất lượng của nguồn nhân lực vẫn còn chậm được cải thiện. Cùng với việc điều chỉnh lương tối thiểu, nhiều doanh nghiệp được dự báo sẽ tăng lương mạnh trong năm 2008.  

Lương tăng nhưng chưa công bằng 

Theo Bộ LĐTB-XH, tiền lương bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp (DN) năm 2007 đạt khoảng 2,2 triệu đồng/tháng, tăng từ 8 - 10% so với năm 2006. Trong đó tiền lương bình quân trong công ty nhà nước đạt 2,6 triệu đồng/tháng, tăng 11%. 

Riêng các tổng công ty hạng đặc biệt, Tập đoàn kinh tế thì tiền lương lên tới 3,95 triệu đồng/tháng, tăng 15%. Trong DN dân doanh đạt 1,85 triệu đồng/tháng, tăng 6%. Trong DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,5 triệu đồng/tháng, tăng 10%. 

Đáng chú ý là tiền lương thấp nhất bình quân thực trả của các DN trong năm 2007 đều cao hơn so với quy định của Nhà nước (khoảng 1,05 triệu đồng/tháng, tăng 6% so với năm trước). 

Mặc dù liên tục có sự điều chỉnh về tiền lương, tiền công song trên thực tế, chính sách này vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể là cơ chế phân phối tiền lương của DN nhà nước chưa thực sự theo đúng nguyên tắc của thị trường. 

Mặt khác, chúng ta chưa có cơ chế phù hợp để điều tiết các yếu tố lợi thế ngành nghề khi xác định tiền lương, dẫn đến nhiều công ty nhà nước có tiền lương cao nhưng chưa hoàn toàn xuất phát từ nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. 

Đối với DN nhà nước vẫn còn nhiều DN ép mức tiền công của người lao động, nhất là ở những DN sử dụng nhiều lao động, trình độ chuyên môn kỹ thuật không cao như da giày, dệt may, chế biến... 

Nhiều DN còn lợi dụng chia thu nhập của người lao động thành phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng để trốn đóng bảo hiểm xã hội, không bảo đảm quyền lợi của người lao động... dẫn đến xảy ra tranh chấp. 

DN buộc phải tăng lương để giữ người 

Mặc dù đang đứng trước nhiều bất cập như vậy, song khi dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang tăng mạnh thì xu hướng tăng tiền lương tiền công trong năm 2008 là khó tránh khỏi. 

Các số liệu thống kê cho thấy từ năm 2004 đến nay đầu tư nước ngoài tăng liên tục. Quan sát dòng vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam trong thời gian gần đây, bà Winnie Lam, Giám đốc Bộ phận Tư vấn nhân sự của Navigos Group nhận xét: "Các công ty mới thành lập sẽ góp phần tạo nên áp lực cho thị trường vì hầu hết họ sẽ nhắm đến việc tuyển người từ cùng ngành nghề với mức lương cao hơn.

10 bí quyết hàng đầu giúp cho nhân viên thực tập

Hãy tỏ rõ lòng nhiệt tình và sự cầu tiến, đề nghị được tham gia vào các cuộc họp và hội thảo nghề nghiệp. Các nhân viên nhiệt tình có một ảnh hưởng tốt lên toàn bộ công ty. 

Các công ty luôn tìm kiếm những nhân viên thực tập cầu tiến, dám nghĩ dám làm, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy của công ty, đáng tin cậy, có thể làm việc độc lập cũng như làm việc theo nhóm. Dưới đây là 10 bí quyết giúp bạn trở thành một nhân viên chính thức trong thời gian thực tập. 

1.Chào hỏi bất cứ người nào bạn gặp trong công ty
 

Để có được những mối quan hệ tốt trong công việc đòi hỏi các kỹ năng giao tiếp thật tốt cũng như một thái độ đáng tin cậy. 

Người giám sát và các đồng nghiệp của bạn nhiều khi “ngập đầu” trong các dự án và thời hạn công việc nên họ không để ý bạn là người mới đến. Vì vậy, hãy chủ động giới thiệu mình với một thái độ đáng tin cậy và thân thiện với bất cứ ai bạn gặp trong công ty, từ nhân viên tạp vụ cho đến Tổng giám đốc. 

2. Tìm hiểu mọi thông tin về công ty 

Nghiên cứu tất cả những gì có thể về công ty và lĩnh vực hoạt động. Hãy bắt đầu từ văn phòng dịch vụ việc làm ở trường của bạn. Bạn cũng có thể viết thư đến công ty bạn quan tâm để xin thông tin, gặp để hỏi trực tiếp, liên hệ với phòng thương mại địa phương, đọc báo hay các ấn phẩm khác để tìm hiểu thêm về công ty. 

3.Đặt ra các mục tiêu cho bản thân và làm việc chăm chỉ 

Hãy đặt ra các mục tiêu mà bạn muốn đạt được trong thời gian thực tập và hỏi người giám sát những việc phải làm. Nếu bạn đã hoàn thành xong công việc được giao, hãy đề nghị một công việc khác hoặc dành thời gian đọc các tài liệu hoặc bài báo về công ty và công việc. 

Việc đặt ra mục tiêu có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng với các thực tập viên - giúp bạn đạt được các kỹ năng mà các nhà tuyển dụng cần ở một nhân viên chính thức trong tương lai. 
4. Đọc các báo và tạp chí chuyên về lĩnh vực hoạt động của công ty 
Luôn theo dõi thông tin về người thuê bạn, môi trường cạnh tranh của họ, đọc những gì những người có kinh nghiệm đang đọc và tìm hiểu thêm các thông tin về lĩnh vực hoạt động của công ty. Hãy nghĩ xem liệu có những xu hướng mới hay điều thú vị nào đang xảy ra trong lĩnh vực hoạt động của công ty hay không? 

Để thành công trong thời gian thực tập đòi hỏi thực tập viên một sự cầu tiến và lòng ham học hỏi thực sự về lĩnh vực hoạt động của công ty. Những thực tập viên thành công là những người luôn chủ động học được nhiều nhất có thể trong thời gian thực tập ngắn ngủi. 

5. Sẵn sàng làm một số công việc lặt vặt 

Hãy nhanh chóng hoàn thành những công việc nhỏ và có cái nhìn bao quát về công việc. Bạn có thể phải làm một số công việc như pha cà phê hay sắp xếp tài liệu… 

Tuy nhiên, nếu pha cà phê và sắp xếp tài liệu chiếm quá nhiều thời gian trong ngày của bạn thì bạn cần nói chuyện với người giám sát về những mục tiêu và mong muốn của bạn trong thời gian thực tập. 

Một cách để tránh bị rơi vào tình trạng này là làm một bản thỏa thuận về những việc bạn phải làm khi là một nhân viên thực tập. Hãy nhớ rằng bất cứ công việc nào cũng bao gồm vài việc lặt vặt. Việc chia sẻ những công việc như vậy với nhau sẽ tạo nên một tập thể đoàn kết và mỗi cá nhân sẽ hoàn thành công việc của mình tốt hơn. 

6. Đặt nhiều câu hỏi 

Tận dụng vị trí sinh viên của mình và đặt câu hỏi về tất cả những gì bạn không hiểu. Các nhà tuyển dụng cho rằng những sinh viên hay đặt câu hỏi là những người rất cầu tiến và muốn học tất cả những thứ họ có thể về lĩnh vực hoạt động của công ty. 

Bạn là nhân viên thực tập nên các nhà tuyển dụng không yêu cầu bạn phải biết mọi thứ về công việc. Thời gian thực tập là khoảng thời gian rất tốt để học hỏi. Bạn càng đặt nhiều câu hỏi thì bạn càng học được nhiều điều về công việc. 

7.Tìm một người để học hỏi 

Học hỏi từ những người bạn ngưỡng mộ và phát triển mối quan hệ kiểu này giúp bạn có thể tiếp tục tiến xa hơn sau khi thời gian thực tập đã kết thúc. 

Những người có kinh nghiệm trong công ty rất thích chia sẻ kiến thức và giúp đỡ những người mới vào.Những người để học hỏi tốt nhất luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của họ mong muốn được nhìn thấy những người theo sau mình thành công. 

8. Chứng tỏ bạn chuyên nghiệp 

Duy trì một hình ảnh chuyên nghiệp cả ở trong và ngoài công ty, tránh “buôn dưa lê” và chia bè chia phái trong công ty. Điều này sẽ giúp bạn tận dụng thời gian, tránh lãng phí vào các cuộc điện thoại hay thư từ cá nhân. 

9. Phát triển các mối quan hệ với đồng nghiệp 

Hãy duy trì việc giao tiếp với người giám sát và các đồng nghiệp. Các mối quan hệ này chính là chìa khóa để bắt đầu một sự nghiệp thành công, giúp bạn tìm được những cơ hội mới và cách thức để tiến lên trong sự nghiệp của mình. 
10. Chứng tỏ lòng nhiệt tình 

Nếu bạn muốn được nhận vào làm nhân viên chính thức sau thời gian thực tập, hãy chứng tỏ mình là một nhân viên nhiệt tình. Trong một thời gian ngắn bạn phải gây được những ảnh hưởng tích cực lên cả đồng nghiệp và người giám sát.

6 cách bắt đầu một ngày làm việc mới

Đi bộ rất có lợi cho sức khoẻ của bạn và giúp bạn có một sự chuẩn bị chu đáo cho giấc ngủ vào buổi tối, giảm stress và nguy cơ mắc 1 số bệnh “lặt vặt”. Nếu có thể được đi dạo cùng với chú cún yêu của mình thì khả năng tập trung của bạn sẽ được phát huy triệt để đó. 

Thức giấc sau một đêm ngủ dài để bắt đầu một ngày làm việc bận rộn và mệt mỏi, bạn lấy đâu là nhiệt huyết và năng lượng? Hãy “sạc pin” cho ngày làm việc của mình bằng 6 thói quen khoa học dưới đây. 
Nghe nhạc 

Bạn đã biết rằng âm nhạc có tác dụng thế nào đối với sức khoẻ cũng như tinh thần của con người. Chẳng phải bỗng nhiên mà các nhà khoa học ngày càng khuyến khích các bà mẹ trẻ đang mang thai nên cho thai nhi nghe nhạc mỗi ngày. 

Vì thế hãy làm bừng tỉnh ngày mới của bạn với những bản nhạc du dương mà bạn yêu thích. Hãy thưởng thức nó khi bạn chuẩn bị quần áo và đồ dùng cá nhân, khi bạn đang ăn sáng hoặc đơn giản là bạn đang tập thể dục. Âm nhạc sẽ giúp đầu óc của bạn sảng khoái và công việc trong ngày sẽ biến thành buổi du ngoạn của bạn. 

Tắm dưới vòi hoa sen 

Nước nóng là phương thuốc hiệu quả nhất để làm các cơ bắp của bạn được thư giãn. Chính điều này sẽ giúp lưu thông mạch máu, sảng khoái đầu óc và bạn có thể giải quyết tất cả các công việc thật đơn giản. 

Một bữa điểm tâm đầy đủ chất 

Bữa sáng được coi là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày vì thế đừng bỏ lõ nó. Một bữa sáng nhẹ nhàng mà đủ chất dinh dưỡng sẽ làm cân bằng lượng đường trong máu của bạn, giúp bạn hoàn thành tốt tất cả các hoạt động trong ngày. Vì thế một bữa sáng được cho là đầy đủ nếu bao gồm nhiều protein, hoa quả, tất nhiên là không có chất gây nghiện (cà phê, thuốc lá…). 

Uống trà xanh 

Dù đã có rất nhiều cuộc tranh cãi về tác dụng của trà xanh nhưng cho đến nay các nhà khoa học vẫn khuyên bạn nên bắt đầu ngày mới với 1 tách trà xanh vì cơ bản trong trà xanh có chất chống oxy hoá, điều này rất có lợi cho sức khoẻ của bạn. 

Một lịch trình rõ ràng 

Hãy kiểm tra lại lịch làm việc hàng ngày của bạn và có thể sửa đổi nếu cần thiết. Điều này giúp bạn quản lý được thời gian của mình hiệu quả và tránh stress không cần thiết. 

Đi bộ buổi sáng 

Có thể để làm tất cả những hoạt động trên để khởi đầu cho 1 ngày mới là điều không tưởng nhưng hãy cố chọn cho mình một vài thói quen có lợi đó để có thể bắt đầu ngày mới hiệu quả hơn. 

Để không "bí" khi trả lời cuộc phỏng vấn xin việc làm...

Tập luyện thể thao, đọc sách, xem truyện cười, vui chơi cùng bạn bè, xách xe vi vu đâu có một lúc rồi quay về công việc... được xem là câu trả lời khôn ngoan.

Nhiều người tỏ ra rất e dè khi bước vào vòng phỏng vấn trực tiếp. Và thế là họ bị nhà tuyển dụng bắt bí liên tục bởi những câu hỏi tới tấp. 

Xin giới thiệu với bạn những câu hỏi cơ bản mà hầu như trong cuộc phỏng vấn trực tiếp nào nhà tuyển dụng cũng đưa ra để bạn biết cách mà "bài binh bố trận". 

1. Bạn hãy giới thiệu về bản thân mình 

Đây là câu hỏi kinh điển và cực kỳ quen thuộc. Câu hỏi này thường mở đầu cho cuộc phỏng vấn. Hãy nắm ngay cơ hội này để giới thiệu về những khả năng, thói quen tốt trong nghề nghiệp của bạn... Hãy tập trung hướng câu nói của bạn vào công việc và những việc liên quan đến nghề nghiệp. Đừng làm mất thời gian của nhà tuyển dụng bằng cách dài dòng "tôi năm nay X tuổi, sinh ra tại tỉnh Y, tốt nghiệp trường đại học Z...". Những thông tin này đã có trong C.V của bạn. 

2. Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ? (Tại sao bạn muốn bỏ công việc hiện tại?) 

Hãy cẩn thận. Đừng xem đây là cơ hội để kể tội sếp cũ. Và cũng đừng trả lời đại loại "Tôi cần một công việc nhiều tiền hơn". Câu trả lời lý tưởng trong trường hợp này là: "Tôi muốn tìm kiếm thêm cơ hội phát triển nghề nghiệp của mình". 

3. Điểm mạnh của bạn là gì? 

Hãy chỉ ra những điểm tích cực của bạn có liên quan đến công việc bạn muốn xin vào. Đó có thể là những điểm tốt thuộc về chuyên môn hoặc tính cách. 

4. Điểm yếu của bạn là gì? 
Mỗi người đều có điểm yếu. Vì thế, đừng dành quá nhiều thời gian để nói về điểm yếu của mình, nhất là những điểm yếu có liên quan đến công việc. Tốt nhất là bạn nên nói về 1 hoặc 2 điểm yếu vô hại với công việc. Kiểu như "Tôi có tính hơi quá cẩn thận. Làm việc gì cũng phải chi li, kỹ lưỡng". Với mỗi điểm yếu mà bạn kể ra, hãy cho nhà tuyển dụng thấy luôn là bạn đã có sẵn điểm mạnh để khắc phục điểm yếu đó. Kiểu như là: "Tính tôi quá cẩn thận. Vì thế, tôi làm việc hơi chậm. Nhưng bù lại, tôi rất nhiệt tình làm thêm giờ, và chăm chỉ". 

5. Bạn biết gì về công ty của chúng tôi? 

Để trả lời câu hỏi này, không còn cách nào khác là bạn phải tìm hiểu kỹ lưỡng về công ty trước khi đi phỏng vấn. 

6. Tại sao bạn muốn làm việc ở đây? 

Cũng giống như ý trên, bạn phải tìm hiểu kỹ về công ty và đưa ra những lý do cụ thể và thuyết phục. Tránh đưa ra những câu trả lời chung chung kiểu "Vì tôi biết công ty của quý vị là một công ty lớn". Hãy giải thích cụ thể vì sao bạn muốn làm việc cho một công ty lớn: vì bạn muốn được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, vì bạn muốn được nâng cao chuyên môn, vì bạn muốn được thử sức mình với những dự án lớn ở một công ty lớn... 

7. Tại sao chúng tôi nên nhận bạn vào vị trí tuyển dụng? 
Nêu rõ những đặc điểm tích cực của bạn phù hợp với vị trí này (chuyên môn, tính cách, thái độ...) và những kinh nghiệm quý báu mà bạn từng có thông qua công việc cũ. Đừng quên dẫn thêm lời khen ngợi của sếp cũ dành cho bạn (nếu có). 

8. Trong công việc cũ, bạn đã từng có thành tích gì? 

Hãy nói về 2-3 dự án thành công mà bạn từng đảm nhận. Bạn có thể nói cụ thể luôn là thông qua những dự án thành công ấy mà bạn đã được thưởng hoặc tăng lương như thế nào. Chú ý: bạn nên chọn những dự án thành công về chất lượng hơn là nói về những dự án mà bạn đã kiếm được kha khá tiền thưởng. 

9. Điều gì là động lực giúp bạn hăng say làm việc? 

Lẽ thường, bạn sẽ nghĩ đến tiền thưởng, tăng lương, các quyền lợi khác mà công ty dành cho bạn... sẽ thúc đẩy bạn cố gắng làm việc. Tuy nhiên, hãy nói về thành quả đạt được trong công việc và niềm vui của bạn khi vượt qua một thử thách. Đó mới chính là động lực... trong sáng để giúp bạn tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng. 

10. Bạn thích làm việc trong môi trường nào nhất? 

Bạn đang muốn xin vào vị trí nào, hãy hướng câu trả lời đến những điều kiện làm việc liên quan đến vị trí đó. Ví dụ: Nếu vị trí tuyển dụng thiên về nghiên cứu và làm việc một mình, hãy trả lời rằng bạn hoàn toàn có thể làm việc theo nhóm, nhưng bạn thích làm việc độc lập hơn. Còn nếu vị trí bạn mong muốn được nhận vào là thường xuyên đảm nhận và hoàn thành những dự án, hãy khảng khái khẳng định rằng bạn thích làm việc tập thể, và thế mạnh của bạn là có tinh thần cộng tác rất cao. 

11. Tại sao bạn lại muốn công việc này? 

Câu trả lời phải cụ thể dựa vào những tiêu chí tuyển dụng của công việc. Tránh đưa ra câu trả lời nguy hiểm kiểu "Tôi đang cần một việc làm". Hãy cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn thấy được những khó khăn và thuận lợi của công việc này, và bạn thích khám phá chính mình thông qua những thử thách ấy. 

12. Khi bị stress vì công việc, làm thế nào để bạn có thể vượt qua những áp lực này? 

 Tuy nhiên, bạn cần biết rằng thực ra, nhà tuyển dụng có thể biết được cách bạn sẽ xử lý stress thế nào vì trong buổi phỏng vấn, ít nhiều bạn đã bị stress với những câu hỏi của nhà tuyển dụng. Vì thế, cách tốt nhất khi trả lời phỏng vấn là hãy bình tĩnh, trả lời rành rọt, cẩn thận. Không nên để nhà tuyển dụng thấy được bạn "toát mồ hôi hột" vì những câu hỏi hóc búa của họ. 

13. Thử hình dung 5 (10) năm nữa, bạn đang ở đâu nhỉ? 

Hãy giải thích cho nhà tuyển dụng thấy rằng vị trí mà bạn đang dự tuyển nằm trong kế hoạch thăng tiến nghề nghiệp của bạn trong tương lai. Nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy hứng thú hơn nếu họ biết được rằng trong quá trình phấn đấu để đạt được những mục tiêu ấy, bạn cũng đóng góp kha khá vào lợi ích chung của công ty. Một vị trí cao hơn hoàn toàn có thể là mục tiêu phấn đấu của bạn trong tương lai.

“Đầu tư” cho một công việc mới

Không chỉ trích công ty hay đồng nghiệp: Trong công việc có thể nảy sinh những khó khăn hay bất đồng quan điểm, đặc biệt là với nhân viên mới. Môi trường làm việc căng thẳng, mới mẻ và sự không hòa hợp với đồng nghiệp rất dễ khiến bạn thay đổi tính nết. Tuy nhiên, bạn cần thận trọng trước thái độ và cách cư xử của bản thân. Ví dụ, việc bất đồng quan điểm với đồng nghiệp nên để cấp trên giải quyết và bạn không nên có lời bình về vấn đề này dù ở trong hay ngoài công ty. 

Bạn vừa nhận được một công việc mới. Bạn băn khoăn không biết nên làm gì để sếp cũng như các đồng nghiệp mới cảm thấy hài lòng về bạn? 
Sếp mong đợi gì nhất ở nhân viên mới? 

Tôn trọng những quy tắc của công ty 

Không chỉ làm những công việc hạn chế trong hợp đồng mà sẵn sàng làm tất cả những việc được giao. 

Tôn trọng thời hạn công việc và sẵn sàng làm thêm giờ. 

Nhận làm mọi công việc với thái độ tích cực và tự hoàn thiện. 

Nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp. 

Để duy trì tốt công việc mới 

Tiết kiệm cho công ty: Ví dụ bạn có thể đưa ra những ý tưởng để thực hiện một công việc nào đó với lượng thời gian ít và chất lượng vẫn tốt. Thời gian là nhân tố quan trọng bởi vì thời gian chính là tiền bạc, khi bạn tiết kiệm được thời gian ở công việc này nó sẽ chuyển sang công việc khác và năng suất lao động của bạn sẽ tăng. 

Thích nghi nhanh với những yêu cầu của công ty: Những ưu tiên của công ty bạn thay đổi từng ngày, nó phụ thuộc vào yêu cầu cạnh tranh mà công ty bạn đang phải đối mặt như sự biến động của nền kinh tế sự thay đổi chiến lược của công ty đối thủ,... Nhân viên cần thích nghi nhanh với môi trường này để có thể làm việc hiệu quả và đóng góp vào lợi nhuận cho công ty. 

Xác định rõ mục tiêu của bạn: Bạn phải làm rõ những mục tiêu nghề nghiệp của mình trong ý nghĩ bằng cách viết tất cả chúng ra giấy. Một danh sách những mục tiêu nghề nghiệp bạn hướng tới và bạn có khả năng thực hiện mục tiêu nào hơn cả. Tuần một lần, bạn nên xem lại và cập nhật vào danh sách đó những thông tin mới. 

Nỗ lực hết mình: Là nhân viên mới, còn nhiều điều mới mẻ với bạn vì vậy bạn cần khiêm tốn học hỏi cũng như tự quan sát để lấy kinh nghiệm. Trong công việc, ngoài tính chất công việc của bạn nếu được giao thêm trách nhiệm khác bạn nên vui vẻ nhận lời và coi đó như một cách để có được kinh nghiệm trong loại công việc mới. 

Đi làm và đi họp đều đặn: Với nhiều người họ nghĩ rằng, việc đi làm đầy đủ không quan trọng bằng kết quả bạn đem lại cho công ty. Vì vậy có thể không thấy thoải mái trong người họ sẽ xin nghỉ ốm. Điều này hoàn toàn sai lầm vì việc đi làm đầy đủ thể hiện trách nhiệm và sự nghiêm túc của bạn trong công việc. Việc vắng mặt thường xuyên không lý do hoặc cáo ốm thường xuyên sẽ tạo cái nhìn không thiện cảm từ phía sếp cũng như đồng nghiệp, đặc biệt với nhân viên mới.

Đừng nông nổi khi lựa chọn ngành nghề

Trang cất tấm bằng cử nhân văn chương vào góc tủ và xoay sang làm đủ nghề để kiếm sống để cuối cùng dừng chân ở công việc maketting quảng cáo. Cũng như Trang, những bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa đại học nếu không tự nhìn nhận ngành học lựa chọn có phù hợp với khả năng bản thân và điều kiện kinh tế gia đình hay không thì rất có thể sẽ vấp phải khó khăn sau ngày tốt nghiệp, ôm tấm bằng đi xin việc. Nếu lựa chọn không sáng suốt, thậm chí 3, 4, 5 năm học cao đẳng, đại học khá tốn kém tiền bạc, lãng phí thời gian... sẽ chẳng hề thiết thực. 

Nhiều bạn trẻ trong chúng ta đã từng bâng khuâng đứng trước cổng trường đại học nhưng không có sự hình dung đầy đủ về nghề nghiệp sẽ làm trong tương lai, mặt khác lại không có người từng trải giúp đỡ hướng nghiệp một cách đúng đắn.

Hậu quả là, dù đã có trong tay tấm bằng cử nhân nhưng không ít người phải ngậm ngùi chia tay với những kiến thức đã dùi mài để làm trái ngành, trái nghề... 

Học một đằng, làm một nẻo 

Có không ít cử nhân, ngoài lý do chưa xin được việc làm theo đúng chuyên ngành đã học, sau khi tốt nghiệp ra trường lại nhận ra rằng việc thu nhận kiến thức trên giảng đường và trong thực tế là một khoảng cách xa, sự nhận biết về chuyên ngành học đã không đúng như thực tế đòi hỏi, thành thử tìm việc làm đúng nghề, đúng nghiệp là quá khó. Tấm bằng đại học lúc ấy trở nên thật vô nghĩa trong tập hồ sơ xin việc. Theo một số liệu thống kê mới đây của Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội thì có khoảng 30% sinh viên, học sinh tốt nghiệp ra trường có công việc đúng hoặc gần với chuyên ngành được đào tạo, 30% muốn tìm một việc làm khác, 40% chưa tìm được việc làm. 

Diệu Ngọc hiện đang là nhân viên phòng tổ chức nhân sự của một công ty xây dựng vốn đã có trong tay tấm bằng cử nhân báo chí loại khá. Ngọc kể: “Dân ngoại tỉnh như bọn mình khi bám trụ lại Hà Nội, phải thuê nhà và tự đi xin việc, theo kinh nghiệm từ bạn bè và bản thân thì thật khó len chân vào một tòa soạn báo nếu khả năng làm việc thực tế không nổi bật và không có người thân nâng đỡ, dìu dắt...”. Ôm theo nỗi niềm đó nên ngay khi vừa tốt nghiệp, cô đã quyết định vào làm việc ở một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ. Ngành xây dựng với khối công việc văn phòng ban đầu khá khó khăn đối với một cử nhân báo chí chỉ từng làm quen với “thông tin”, “con chữ”... Ngày đi làm, tối đi học, giờ đây Ngọc đã có một vị trí làm việc yên ổn tại một công ty xây dựng của nhà nước, có thêm bằng tại chức ngoại ngữ và hiện cô đang hoàn thành bằng cử nhân quản trị kinh doanh. Khi được hỏi về tấm bằng cử nhân báo chí, Ngọc chạnh buồn bởi tiếc 4 năm theo đuổi một chuyên ngành mà mình không dùng đến. Ngọc bảo rằng cô yêu công việc đang làm hơn là một phóng viên đi tác nghiệp, chụp ảnh, ghi hình, chưa kể sự bon chen và hàng núi chuyện thị phi mà một cô gái tỉnh lẻ quen sống khép mình rất ngại va chạm. Cô tâm sự: “Nếu được quay trở lại thời điểm chọn trường thi đại học, chắc chắn mình sẽ lựa chọn khác...”. 

Trước thực trạng không ít sinh viên tốt nghiệp đại học, thậm chí tốt nghiệp loại khá cũng khó khăn khi xin việc, nhiều bậc phụ huynh và học sinh lớp 12 dù chưa chạm chân tới cánh cửa đại học nhưng đã đôn đáo khắp nơi để lo chỗ xin vào khi ra trường. Thậm chí nhiều gia đình sẵn sàng chịu tốn kém nếu được đào tạo có địa chỉ (đào tạo theo chỉ tiêu của cơ sở sử dụng lao động). Những mối quan hệ để có sẵn một chỗ làm việc tốt sau khi ra trường luôn được các vị phụ huynh, học sinh cuối cấp và sinh viên đại học quan tâm. Nhưng thực tế này lại khiến nhiều bạn trẻ không tự chủ động được việc học và sự chuẩn bị cho một công việc trong tương lai. Học theo sự sắp đặt từ trước của gia đình và người thân có thể khiến các bạn trẻ không theo đuổi được nghề nghiệp mà mình yêu thích hoặc lĩnh vực có năng khiếu. 

Cần lắm một định hướng chọn nghề! 

Tại hầu hết các trường THPT hiện nay, học sinh lớp 12 bao giờ cũng được nhà trường tạo mọi điều kiện để tốt nghiệp, còn khâu hướng nghiệp cho các em thì không phải trường nào cũng quan tâm đúng mức. Phải đến khi đặt chân vào giảng đường các trường đại học, cao đẳng, gắn lên áo mình phù hiệu sinh viên thì các bạn trẻ mới được tiếp cận với những hoạt động giúp sinh viên nhìn nhận, làm quen với công việc thực tế. Sự gắn kết giữa các trường cao đẳng, đại học với các trường THPT trong việc tư vấn chọn ngành, chọn nghề giúp học sinh vẫn là điều “trong mơ”. Thông tin về các khoa, trường đào tạo các lĩnh vực đến tai, tới mắt học sinh THPT thường rất chung chung. Có những thí sinh thi đại học, thậm chí kể cả sinh viên đang theo học tại các trường cũng chưa hề hình dung được về công việc thực tế mà mình sẽ làm sau khi ra trường. Và chỉ tới khi đi thực tập, nhiều bạn trẻ mới vỡ lẽ: à! Hoá ra chuyên ngành mình học và sau này sẽ làm công việc như vậy! 

Đà Trang (nhân viên maketting của một cơ quan thông tấn) vốn được mọi người coi là có năng khiếu về văn chương. Ôm giấc mơ trở thành nhà văn, cô đã quyết định thi vào Khoa Văn học (Trường ĐHKHXH&NV). Những năm học khá suôn sẻ, mặc dù với hoàn cảnh kinh tế gia đình không dư dật gì nhưng bố mẹ Trang vẫn đáp ứng đủ mọi yêu cầu của cô con gái để “mai này nó có thể sống được bằng ngòi bút”. Đến khi chuẩn bị tốt nghiệp, đặt chân vào Viện Văn học thực tập, cô sinh viên giàu mơ mộng mói chợt nhận ra khả năng cũng như tiềm lực thật sự của mình. Văn chương đã không còn là niềm đam mê, không còn là “mảnh đất hứa” nữa. 

Chỉ còn vài tháng nữa, những bạn trẻ tốt nghiệp THPT đăng ký dự thi cao đẳng, đại học sẽ bước vào một cuộc đọ sức cam go thực sự. Song việc “chọi” thắng những đối thủ có cùng ước mơ đặt chân vào giảng đường đại học chưa hẳn là đã chắc chắn cho mình một công việc và vị trí ổn định trong tương lai. 

Những lý do khiến bạn "rớt" ngay từ vòng đầu

Hãy chú ý đến những điều khoản trên, thông thường các ứng viên không nhận ra những sai sót đó. Những điều khoản này hoàn toàn nằm dưới sự điều khiển trực tiếp của bạn và đa số đều rơi vào quá trình phỏng vấn. Hãy đọc đi đọc lại liên tục danh sách trên. 

Bạn gởi đi rất nhiều lá thư xin việc. Bạn nhận được nhiều cuộc hẹn phỏng vấn. Nhưng tất cả sau đó đều không có một cuộc hồi âm lần hai của các nhà tuyển dụng. Bạn băn khoăn không biết lý do vì sao, hãy xem xét bạn có mắc phải những sai lầm sau đây, thì ngay lập tức điều chỉnh lại. 
1. Nghèo thông tin cá nhân. 

2. Hống hách, kiêu ngạo, quá hiếu chiến. 

3. Không có khả năng để biểu thị bản thân rõ ràng, nghèo tiếng nói riêng, cách diễn đạt, câu cú. 

4. Không có kế hoạch cho sự nghiệp, không chủ đích và mục tiêu. 

5. Không có sở thích và niềm đam mê, thụ động và hờ hững. 

6. Thiếu tự tin, tự chủ, dễ bị kích động hoặc không có lòng tin vào bản thân. 

7. Không tham gia những hoạt động tích cực. 

8. Quá nhấn mạnh về tiền bạc, chỉ quan tâm đến vấn đề lương bổng. 

9. Kết quả học tập không khả quan. 

10. Không sẵn sàng bắt đầu vạch xuất phát thấp, nóng vội. 

11. Viện nhiều lý do cho việc biện hộ những yếu kém, lảng tránh, lờ đi những kết quả không tốt. 

12. Thiếu sự tế nhị. 

13. Thiếu chín chắn. 

14. Thiếu lịch sự và thô lỗ. 

15. Nói xấu những người chủ trước. 

16. Thiếu sự hiểu biết về xã hội. 

17. Nói ra việc không thích làm bài tập ở lớp. 

18. Không có sức sống. 

19. Lảng tránh nhìn vào mắt nhà tuyển dụng khi đang phỏng vấn. 

20. Bước đi nặng nề, tay đầy mùi thức ăn khi đưa ra bắt tay người phỏng vấn. 

21. Không quả quyết. 

22. Tiêu phí thời gian vào những điều vô ích trong thời gian chưa có việc làm. 

23. Cuộc sống gia đình không hạnh phúc. 

24. Xích mích với nhiều đồng nghiệp. 

25. Gởi một bộ sơ yếu lý lịch quá tệ. 

Tập trung vào những điều khoản mô tả về bạn và ngay lập tức đi vào việc điều khiển chúng. Nên nhớ, thông thường những điều đơn giản nhất bạn không bao giờ nghĩ tới lại có khả năng loại trừ bạn cao nhất.